Sản phẩm của ngành gia công cơ khí bao gồm nhiều bộ phận, nhiều chi tiết hợp thành. Căn cứ công dụng và điều kiện làm việc của mỗi chi tiết, người thiết kế định ra cho nó một hình dạng và kích thước nhất định cùng với các yêu cầu cần thiết khác (độ bền, độ cứng, độ nhẵn bề mặt…).
Để đạt được các yêu cầu đó, vật liệu được chọn phải trải qua quá trình gia công bằng nhiều phương pháp công nghệ khác nhau, sau đó lắp ráp lại thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Các phương pháp gia công cơ khí
Công nghệ gia công cơ khí thường được chia làm 2 loại cơ bản:
– Các phương pháp gia công không phoi: Đúc, rèn, dập nóng, dập nguội, cán, kéo, ép, hàn… Trong đó, một số phương pháp gọi là gia công biến dạng, gia công áp lực hoặc gia công nóng.
– Các phương pháp gia công cắt gọt, thông thường là tiện, phay, bào, khoan, mài… Các phương pháp này còn gọi là gia công phoi, gia công cắt gọt, gia công cơ.
Sản phẩm của phương pháp gia công không phoi thường là khởi phẩm (còn gọi là phôi), tức là mới được tạo hình sơ bộ với kích thước thô và độ nhẵn bề mặt thấp, sau đó còn phải trải qua các bước gia công cắt gọt mới dùng được. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp không cần qua gia công cắt gọt do không cần thiết (không phải là bề mặt lắp ghép) hoặc do đã đạt được độ chính xác cũng như độ nhẵn bề mặt cần thiết nhờ được gia công bằng phương pháp đúc áp lực, đúc chính xác theo mẫu chảy, rèn khuôn chính xác…
Gia công cắt gọt là một quá trình công nghệ rất quan trọng trong ngành chế tạo máy, chiếm từ 50% đến 60% khối lượng lao động trong một nhà máy cơ khí và cũng chiếm tới 50% tổng giá thành sản phẩm cơ khí. Nguyên tắc của phương pháp này là hớt một lớp kim loại ở bên ngoài của phôi cho tới khi đạt được hình dạng, kích thước và độ nhẵn bề mặt cần thiết. Quá trình này được tiến hành trên máy cắt kim loại và bằng các dụng cụ cắt.
Để đạt được chất lượng cơ, lý, hóa cao hơn, người ta áp dụng phương pháp xử lý nhiệt (nhiệt luyện, hóa nhiệt luyện), các phương pháp bảo vệ bề mặt (mạ, sơn…).
Ngoài các phương pháp gia công cơ khí nói trên, hiện nay trong ngành chế tạo máy đã xuất hiện một số phương pháp gia công mới dựa trên những nguyên tắc khác hằn. Ví dụ: Gia công bằng tia lửa điện, gia công bằng chùm điện tử, gia công bằng sóng siêu âm…
Bao trùm lên suốt quá trình công nghệ (bao gồm lắp ráp) là công việc kiểm tra chất lượng sản phẩm theo các yêu cầu kỹ thuật đề ra, nhằm loại trừ hàng hỏng và chủ động ngăn chặn sai hỏng hàng loạt.
Qua gia công cắt gọt, sản phẩm có thể đạt độ chính xác từ cấp 6 (gia công thô) tới cấp 1 (gia công tinh và siêu tinh); Độ nhẵn bề mặt đạt từ ∇3 (khoan) tới ∇10 (mài mỏng). Với các phương pháp siêu tinh đặc biệt (mài, rà, lăn miết) độ nhẵn bề mặt còn có thể cao hơn nữa.
Nguồn: Giáo trình gia công cơ khí